Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Hưng Đạo - Huyện Tứ Kỳ

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã Hưng Đạo

          ​1. Vị trí địa lý.

          Xã Hưng Đạo huyện Tứ Kỳ thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng. Diện tích đất tự nhiên toàn xã là 724,8 ha; số nhân khẩu trên toàn xã là trên 11.920 nhân khẩu, phía đông giáp sông Thái Bình và xã Bình Lãng, phía Bắc giáp xã Đại Sơn, phía Nam giáp xã Tái Sơn, phía Tây giáp xã Ngọc Kỳ và xã Gia Lương huyện Gia Lộc. Xã hiện có 3 thôn bao gồm: thôn Xuân Nẻo, thôn Ô Mễ, thôn Lạc Dục. Đặc biệt Hưng Đạo là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh Hùng, ba thôn đều được UBND tỉnh Hải Dương công nhận danh hiệu Làng Văn hoá và danh hiệu Làng nghề. Địa phương có cụm di tích Đình - Đền Lạc Dục và Đình ­- Miếu Ô Mễ được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, là điểm đến của nhiều du khách thập phương.

          Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 76.5 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2024 là 80.5 triệu đồng/người/năm. 

BAN DO VE TINH XA HUNG DAO.jpg

​Bản đồ chụp vệ tinh xã Hưng Đạo

           2. Đặc điểm lịch sử, kinh tế, văn hóa.

          Xã Hưng Đạo nằm ở khu thượng huyện Tứ Kỳ có đường tỉnh lộ 39 chạy qua, trước kia là đê ngăn nước sông Thái Bình chạy qua giữa xã. Bên trong đường 391 là hai thôn Xuân Nẻo và thôn Ô Mễ, phía ngoài là thôn Lạc Dục .

Tru so UBND xa.PNG

          Trụ sở làm việc UBND xã Hưng Đạo

Hưng Đạo là một vùng đất được dân di cư đến và lập nghiệp từ sau chiến thắng quân Minh xâm lược của Lê Lợi ( tức Hoàng đế Lê Thái Tổ). Cư dân trong xã có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau, trải qua các triều đại phong kiến. Trong điều kiện ấy, họ tập hợp lại thành một cộng đồng, xây dựng thành một quê hương mới, phát triển thành xóm, thôn.. (làng), xã. Ở thôn Lạc Dục, tộc phả họ Nguyễn còn ghi lại nguồn gốc đến từ Lam Sơn – Thanh Hóa, trải qua 34 đời ở đây. Ở thôn Ô Mễ có dòng họ Đặng còn ghi cội nguồn ở Quỳnh Lưu – Nghệ An về dây trên 30 đời. Ở thôn Xuân Nẻo theo tộc phả họ Nguyễn Thứ thì hai họ Nguyễn Cả và Nguyễn Thứ cư trú truyền nối cũng lên tới trên dưới 60 đời.

          Thôn Xuân Nẻo có 09 dòng họ; thôn Ô Mễ có 41 dòng họ; thôn Lạc Dục có 15 dòng họ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử sống dưới các triều đại phòng kiến, xã Hưng Đạo là nơi sinh ra nhiều bậc tài cao, trí cả, giỏi đường võ nghệ và tinh thông văn chương, đã ra phò Vua, giúp nước, bảo vệ non sông. Trong đó: Thôn Xuân Nẻo có ông Nguyễn Ngọc Uyên, thiêm binh, phiên binh bộ Lang trung thuộc họ Nguyễn Cả, là võ quan thời Lê, có công dẹp giặc phiên, trấn thủ nhiều năm ở Tuyên Quang; Cử nhân Phạm Thế Nho, Tri phủ Khoái Châu…Thôn Ô Mễ có Quận công Nguyễn Xuân Đăng, tộc họ Nguyễn Nội, huấn luyện Voi chiến, giúp Vua đánh giặc; Đặng Quý Công, tự Phúc Thiềm, vệ sĩ chiến binh cơ canh gác trong cung cấm đời nhà Lê… thôn Lạc Dục có Phạm Thế Chấp, cử nhân năm 1785. Tri phủ Tiên Lãng; Phạm Viết Tản, tú tài; Phạm Viết Hác, lương y; Phạm Viết Quân (tức Bang Mễ), Thống Lĩnh…

          Thôn Xuân Nẻo tên nôm là làng Nẹo nhắc tới nét đẹp truyền thống văn hóa. Chúng ta không thể không nhắc tới lễ hội văn hóa truyền thống đình làng. Năm nào  

cũng vậy, cứ vào dịp ngày 14-15-16 tháng 11 âm lịch. Vào những ngày diễn ra lễ hội, những người dân trong thôn, con em xa quê cũng thu xếp thời gian, công việc hướng về hội làng, không khí lễ hội, hòa mình trong sắc lọng, cờ thần cùng âm thanh, cung kính, kính lễ Ngày GiổTổ Thành Hoàng Trần Tuấn Kiệt. Người đã có công lớn trong việc khai hoang, lập ấp.

          Làng Ô Mễ thờ thần hoàng làng là Nguyễn Công Quang . Bố ông là người Nam Định di cư đến đất Mễ trang bốc thuốc Bắc và dạy chữ Hán. Đình - Miếu thôn Ô Mễ là di tích lịch sử văn hóa, là nơi thờ Thần Hoàng làng Nguyễn Công Quang - hiệu Từ Quang Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương, người có công dẹp giặc Lương thời tiền Lý, phù Trần dẹp giặc Nguyên Mông. Những chiến tích và công lao uy đức của Ngài vẫn được sử sách lưu truyền.

          Vào thời tiền Lý (544 - 548) tại trang Xuân Ô (tức là Xuân Nẻo - Ô Mễ ngày nay) có chàng trai trẻ Nguyễn Công Quang sức khỏe hơn người, võ nghệ tinh thông, văn chương thao lược. Lúc bấy giờ có giặc Lương sang xâm lược nước ta, chúng gây ra bao cảnh đau thương, tang tóc cho dân lành.

          Vua Lý Nam Đế (544 - 548) uy đức bao la anh hùng cái thế. Trước vận nước lâm nguy nhà Vua hiệu triệu toàn dân đứng lên đánh đuổi giặc Lương. Chàng trai trẻ Nguyễn Công Quang cùng các trai tráng trong làng hăm hở tòng quân, phò Vua, giết giặc. Ngài được phong là Nội Đao Hầu, với chí khí anh hùng, với lòng căm thù giặc sâu sắc Ngài đã cầm quân đánh cho giặc Lương bạt vía, kinh hồn.

Sau khi dẹp yên giặc Lương, Ngài xin nhà Vua cho trở lại quê hương thăm hỏi Cha mẹ, bái yết tiên đường, thăm hỏi dân làng, khao công hưởng lộc.

          Khi Ngài hóa nhà Vua vô cùng thương tiếc, phái đình thần về long trọng cử hành lễ điếu tang, cấp tiền xây dựng Miếu thờ và phong cho Ngài là Mỹ Tự Hiển Hựu Uy Linh, hiệu Nguyễn Từ Quang - Trung Đẳng Phúc Thần Đại Vương (Thần Hoàng làng). Sau đến thời Trần do có công âm phù giúp Vua Trần đánh tan giặc Nguyên Mông, Ngài được phong là Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương, Ngài cùng các Gia Thần trông coi việc âm cho làng. Hằng năm dân làng tổ chức lễ hội, tế lễ vào các ngày sinh, ngày hóa của Ngài và một số lễ do nhà Vua quy định cho dân làng. Công lao to lớn của Ngài vẫn còn sử sách lưu truyền ngợi ca. Lễ hội Đình – Miếu Ô Mễ được nhân dân tổ chức  trong 03  ngày 08, 09, 10 tháng Giêng hằng năm.

          Thôn Lạc Dục thờ Đức Thánh Mẫu. Đền Lạc Dục, còn gọi là Đền Dọc. Sách lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Đạo còn ghi là đền Ông Cộc, ông Dài thuộc thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nằm cách đường tỉnh lộ 391 chừng 100m về phía Tây nam. Đền được xây dựng vào thời Lê sơ thế kỷ 18 để tôn thờ Thánh mẫu Vũ Thị Đức, người có công nuôi hai con tâm nhân mình xà, hiệu là Bạch Long Quân và Hắc Long Quân âm phù vua Lê Thái Tổ đánh thắng giặc Minh xâm lược ở thế kỷ 15. Do có công với nước nên Đức Thánh Mẫu đã được nhà vua phong tặng “THƯỢNG ĐẲNG TỐI LINH" và “DỤC ĐỨC THÁNH NƯƠNG CÔNG CHÚA". Hiện nay cụm di tích Đình - Đền Lạc Dục còn lưu giữ được 6 đạo sắc của các triều đại Lê và Nguyễn phong tặng. Lễ hội truyền thống mùa xuân Đình Đền Lạc Dục (từ 11 đến 13 tháng giêng) đã được phục dựng khá hoàn chỉnh. Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian có tính kế thừa, chọn lọc lễ hội cổ truyền, thu hút cả vùng tham gia. Đền Lạc Dục là một điểm nhấn của quê hương Hưng Đạo anh hùng, là một điểm du lịch văn hóa tâm linh hiếm có trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận là điểm du lịch Văn hóa – lịch sử năm 2023.

            Hưng Đạo là nơi có nhiều cư dân từ mọi miền về lập nghiệp và có 65 dòng họ, tuy về sớm, muộn khác nhau, dân số khác nhau, kinh tế và học vấn khác nhau…nhưng qua nghìn năm sinh tồn, phải đối mặt với thiên tai, trộm cướp, giặc dã, đã hun đúc lên truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng trong đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm và có nếp sống thuần hậu. Nhân dân Hưng Đạo là người Kinh, theo đạo Phật, có một số hộ dân theo đạo Thiên Chúa Giáo, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp, sản xuất thủ công, tự cấp tự túc. Từ bao đời nay, sức kéo phục vụ canh tác là trâu, bò, với chiếc cày chìa vôi, chiếc bừa, chiếc cuốc để vỡ đất, cuộc sống của người dân nghèo khổ, lạc hậu.

    Trước năm 1956 chưa có hệ thống thuỷ nông, chưa có máy bơm nước nên việc canh tác rất vất vả. Về vụ chiêm, sản xuất nhờ vào nước mưa, nếu nguồn nước không đủ, người nông dân phải dùng gầu giai, gầu sòng hoặc guồng nước để tát từ ao, đầm, từ 2 đến 3 bậc. Nhiều khu đồng cao do không có nước phải bỏ hoang, cỏ mọc um tùm như khu làng Dọc. Thời kỳ đó do nhân dân còn lạc hậu việc thâm canh cây lúa cho sản lượng thấp Những giống lúa được gieo cấy như giống lúa ri, cút, chăm, quảng,…đều là giống lúa năng suất thấp. Do canh tác lạc hậu, cấy giống lúa kém năng suất, lại không có phân hoá học, không biết chăm bón đúng kỹ thuật, không có thuốc trừ sâu, trừ chuột nên thu hoạch chỉ bình quân đạt 60 kg thóc/ sào một vụ.

          Bên cạnh các giống lúa phục vụ cho đời sống ăn uống thường ngày, Hưng Đạo còn cấy các giống lúa như dự, tám và nếp cái hoa vàng. Đây là các giống lúa gạo thơm ngon, chủ yếu phục vụ ngày giỗ, tết hoặc đem bán với giá cao.

HUNG DAO NAY.png

          Hưng Đạo ngày nay

​          Về cây màu, Hưng Đạo trước đây chỉ trồng cây khoai lang, cây ngô để tăng nguồn lương thực, nhưng cũng chỉ có ít diện tích ở khu đồng cao. Cây đỗ, cây vừng và rau các loại tuy có trồng nhưng chỉ tự phát và chỉ để góp phần cải thiện sinh hoạt. Sau khi Nghi quyết 03 với phương châm giao ruộng đất nông nghiệp cho người dân Hưng Đạo đã tận dụng thời cơ, tiềm năng, sự cần cù, chịu khó nhân dân Hưng Đạo đã biết thâm canh và đưa những cây rau màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thâm canh và nuôi trồng thủy sản…đứng đầu trong Huyện.

          Về môi trường, Hưng Đạo liền kề với sông Thái Bình có nhiều soi, bãi vì thế cá, tôm tự nhiên khu trú ngụ để sinh sản, nên có rất nhiều loài chim về sinh sống, như vạc, cò, tu hú, chim cu, chim sáo, diều hâu, quạ, vịt trời...làm cho thiên nhiên Hưng Đạo vừa phong phú và sinh động.

          HưngĐạo là xã có nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trâu, bò để cày kéo, cải thiện và đem bán. tuy chưa phải là sản xuất lớn nhưng cũng là một nếp sống đặc trưng của nông dân, nông nghiệp, nông thôn, để một gia đình tiểu nông có thể duy trì sự tồn tại của mình. Trong cái chung mỗi thôn còn có đặc trưng riêng.

          Về nghề thủ công: Thôn Xuân Nẻo; thôn Lạc Dục có nghề Thêu ren giỏi, thôn Ô Mễ người dân giỏi về thương lái; đến nay ba thôn Xuân Nẻo; Ô Mễ; Lạc Dục đều được UBND tỉnh Hải Dương công nhận làng nghề Thêu Ren truyền thống.

          Hưng Đạo ngày nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hưng Đạo là xã loại II. Công tác giáo dục, y tế được quan tâm, trường Tiểu học, trường Mầm non; trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ I; Trạm y tế đạt 10 chuẩn về y tế cơ sở; các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm đúng mức, công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Có 3/3 làng được công nhận là Làng văn hóa. Làng văn hóa thôn Xuân Nẻo được công nhận năm 2000; Làng văn hóa thôn Ô Mễ được công nhận năm 2005; Làng văn hóa thôn Lạc Dục được công nhận năm 2001; xã Hưng Đạo được UBND tỉnh Hải Dương công nhận đạt đô thị loại V năm 2019 và đang phấn đấu đạt đô thi loại IV.

CONG LANG O ME.png
​          Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, nhân dân và những người con trong xã đã hiến sức người, sức của góp công vào thành công vĩ đại trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của cả nước. Đã có rất nhiều người trong xã nằm lại tại các chiến trường trong cuộc chinh chiến thần thánh của cả dân tộc. Xã có 30 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ 294; đối tượng thương binh, bệnh binh và người có công với Cách mạng có trên 200 trăm người.

          Đảng bộ xã hiện có 09 chi bộ, trong đó 03 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ nhà trường và chi bộ Công an, Quân sự, Quỹ tín dụng. Tổng số đảng viên của Đảng bộ xã là 479 đảng viên, chính thức 470 đảng viên, dự bị 09 Đảng viên có huy hiệu 30-70 tuổi Đảng 259 đồng chí. Đảng bộ nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (đạt trong trong sạch vững mạnh) MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội nhiều năm được các cấp khen thưởng.

          Đảng bộ xã Hưng Đạo được thành lập  ngày 21/11/1946, trải qua 78 năm phấn đấu và XXIV kỳ Đại hội Đảng bộ, với sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự ủng hộ của nhân dân, xã Hưng Đạo luôn quyết tâm, phấn đấu, chung sức đồng lòng của nhân dân xã nhà đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Được chủ tịch Nước hai lần tặng danh hiệu xã Anh Hùng. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ. Hưng Đạo đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để phát triển thành thị trấn.