Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Hưng Đạo - Huyện Tứ Kỳ

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Hưng Đạo

GỒM 2 DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH​

I. Đình- Miếu Ô Mễ, thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Cụm di tích Đình - Miếu Ô Mễ là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thuộc thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo. Đình- Miếu Ô Mễ còn được nhân dân trong vùng gọi là Đình- Miếu Mũ, đây là cách gọi nôm của di tích này.Cụm di tích Đình- Miếu Ô Mễ gồm 02 di tích: Đình Ô Mễ có vị trí nằm ở giữa thôn Ô Mễ, mặt tiền quay về hướng Đông Nam, phía Tây là đường liên thôn, phía Bắc giáp khu dân cư; Miếu Ô Mễ nằm ngay tại cánh đồng, cách Đình khoảng 1km về hướng Bắc, độc lập với khu dân cư, mặt tiền quay về hướng Bắc, phía Tây, phía Đông và phía Nam giáp cánh đồng. Đình và Miếu được tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng mát.

Đình- Miếu Ô Mễ thờ Thành hoàng là Nguyễn Công Quang, hiệu Từ Quang Đại Vương, người có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Thế truyền về xuất thân của Thành hoàng Nguyễn Công Quang như sau: Bố của ông là người ở trang An Vĩnh, huyện Bình Dương là con trưởng của một gia đình danh giá họ Nguyễn, tên húy là Thực, lấy vợ là Thực. Hai ông bà là người nhân đức, vợ chẳng may mất sớm, ông đi phiêu bạt khắp nơi. Một hôm, ông đến trang Ô Mễ, huyện Tứ Kỳ, ông được một bà cụ nhân từ, thương ông như con. Bà cụ có cô con gái nết na, yểu điệu tên là Mai Nương, ông đem lòng yêu mến và lấy bà làm vợ. Hai ông bà lấy nhau đã lâu mà chưa có con, liền tu nhân tích thiện tìm đến chùa thiêng để cầu tự. Rồi bà mộng thấy Hoàng thiên giáng phúc, từ đó bà mang thai. Đến ngày sinh hạ, tự nhiên hương thơm tỏa đầy nhà, bà sinh được một cậu bé kỳ dị khác hẳn người thường, đúng là Hoàng thiên giáng phúc, quỷ thần âm phù. Ông bà đặt tên cho con là Quang. Khi Quang Công 13 tuổi, võ nghệ tinh thông, văn chương quán triệt. Lúc này, giặc Lương đến xâm chiếm, vua cho vời người tài giỏi cầm quân đánh giặc. Quang Công cũng dẫn quân xung trận và dẹp tan quân giặc. Công được vua mở tiệc chúc mừng, ban thưởng chức tức. Ngày 23 tháng 9, Công về đến quê hương tại trang Ô Mễ, được nhân dân ra đón rất đông. Công mở yến tiệc mời phụ lão, nhân dân trong thôn cùng hưởng. Công đến bái yết tiên đường, hôm đó là ngày 16 tháng 10, Công đến bên đầu dân ấp thì thầy trên trời có một đám mây đen, trời đất như tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội giáng ngay xuống nơi Công đứng. Công tự nhiên nằm xuống và mất ngay tại đó. Nơi ấy sau tục gọi là xứ Mả Lăng. Một lát sau trời quang mây tạnh, mưa gió đều ngớt, nhân dân ra xem chỉ thấy Công nằm đó, quần áo chỉnh tề, mặt đỏ như mặt trời. Nhân dân bèn tâu Vua. Vua vô cùng thương xót bậc bề tôi có công lao to lớn với đất nước. Vua cho dựng một miếu thờ ngay nơi Công hóa và cho phép nhân dân phụng thờ hương hỏa. Theo lệ khen thưởng và phong cho mỹ tự "Vạn đại phúc thần", thừa nhận trang Ô Mễ làm nơi chính nuôi dưỡng khi Công còn sống và nơi hóa, cho phép nhân dân trong trang phụng thờ hương hỏa mãi mãi. Truyền rằng, về sau đến đời Trần, Lê trải qua các bậc Đế vương, cầu đảo đều được linh thiêng ứng hợp, nên đều được ngợi khen và được phong thêm mỹ tự, hương hỏa phụng thời "Thượng đẳng phúc thần" , muôn đời không thể nào quên.

MIEU O ME.PNG

Đình Ô Mễ được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn. Công trình có quy mô lớn, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 7 gian đại bái đao tàu déo góc và 3 gian hậu cung xây bít đốc. Chất liệu bằng gỗ lim chắc khỏe. Tại tòa đại bái có các bức chạm nghệ thuật theo đề tài tứ linh, tứ quý, chân cột kê bằng đá tảng. Phía trước có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 5 gian. Bên trong nhà giải vũ có bệ thờ để thờ cúng các hậu thần có công xây dựng các công trình phúc lợi cho làng. Năm 1946, Đình là nơi bầu cử Hội đồng nhân dân xã và Quốc hội khóa đầu tiên và cũng là nơi tuyển quân, tiễn đưa bộ đội lên đường đánh giặc. Năm 1949, Đình là nơi tổ chức mít tinh hô hào nhân dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1951, toàn bộ ngôi đình bị bom mìn của thực dân Pháp phá hủy khi càn quét vào làng. Đến năm 1975, nhân dân địa phương xây dựng 5 gian nhà kiểu chữ Nhất (-) để làm nơi thờ tự. Năm 2007, chính quyền và nhân dân cùng các nhà hảo tâm là con em quê hương đã khôi phục lại ngôi đình trên nền cũ, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung, chất liệu chủ yếu bằng bê tông, cốt thép, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngượng của nhân dân địa phương.

DINH O ME.PNG

Miếu Ô Mễ được khởi dựng khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn. Miếu tọa lạc trên gò đất cao, miếu có hướng Canh - Thân (Tây- Nam), nhìn hướng Quý - Đinh (Bắc- Nam) chính cục. Sau có mắt kim tinh, trước án có nước dẫn đến nhà thờ, kim tinh một dải, hổ long dẫn mạch, hổ ứng phù giúp, chính là nơi đầu rồng, là chỗ đất linh thiêng. Miếu có kiến trúc chữ Nhất (-) gồm 3 gian, vì kèo, hoành, rui bằng gỗ lim, lợp ngói mũi. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Miếu là nơi hội họp cán bộ đưa tin bàn kế đánh giặc của chiến dịch Xuân Ô, mở màn cho chiến dịch Tây Bắc. Năm 1982, Miếu bị phá hủy để lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi, chỉ còn nền móng và tấm bia thần tích. Năm 1995, di tích được khôi phục trên nền móng cũ.

Hằng năm, tại Đình- Miếu Ô Mễ có các kỳ lễ hội:

* Kỳ ngày 9 tháng Giêng âm lịch: Diễn ra trong bốn ngày, từ ngày mùng 8 đến ngày 11, trong đó ngày mùng 9 là trọng hội, gọi là lễ mừng Xuân. Tại kỳ lễ này có tổ chức tế và rước long đình ra Miếu, sau đó làm lễ rước bát hương thờ Thành hoàng Nguyễn Công Quang ở miếu, đặt lên long đình, rước về đình để tế.

- Ngày 12 tháng 2 âm lịch: Lễ kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Nguyễn Công Quang.

- Ngày 10 tháng 5 âm lịch: Lễ hạ điền (lễ xuống đồng).

- Ngày 10 tháng 8 âm lịch: Lễ khánh hạ.

- Ngày 16 tháng 10: Lễ kỷ niệm ngày mất của Thành hoàng Nguyễn Công Quang.

* Kỳ ngày 9 tháng 11 âm lịch: Diễn ra trong 5 ngày, từ ngày mùng 8 đến ngày 13, trong đó ngày mùng 9 là trọng hội. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, gọi là lễ kỳ phước.

Về thăm cụm di tích Đình- Miếu Ô Mễ, du khách có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Dương theo đường 391 đi huyện Tứ Kỳ khoảng 12km, rẽ phải vào xã Hưng Đạo về thôn Ô Mễ, theo đường liên xã qua UBND xã Hưng Đạo khoảng 500m là tới​ di tích. 

Địa điểm cụm di tích nhấn vào chữ ĐÌNH - MIẾU Ô MỄ dưới để biết. Thanks!

ĐÌNH - MIẾU Ô MỄ

​II. Điểm du lịch tâm linh đình - đ​ền Lạc Dục, thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo, 

huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

1. Diện tích: Theo biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích đình - đền Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương ngày 20 tháng 9 năm 2018, diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 4.835m2, diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ II là 21.574m2).
2. Ranh giới: Cụm di tích lịch sử văn hóa đình- đền Lạc Dục tọa lạc trên trục đường tỉnh lộ 391(rất thuận lợi cho việc di chuyển, kết nối với các điểm, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh Hải Dương bằng đường bộ) thuộc địa bàn thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.; đền Lạc Dục được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ký ngày 12/4/2005, đình Lạc Dục được Sở Địa chính tỉnh ký ngày 28/12/2001.
​​* Đình Làng Lạc Dục:         
Đình làng được tọa lạc tại một vị trí đắc địa trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, có phong cảnh hữu tình, mặt tiền quay về hướng Nam. Ngôi đình được khởi dựng từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn. Đình làng được tu bổ khá đồng bộ theo kiểu chữ nhị, gồm đình ngoài, đình trong và hậu cung, phía trước là sân, cổng nghi môn có 4 cột đồng trụ và hệ thống tường bao. Đình là nơi thờ Thành Hoàng và nhân dân họp bàn việc của làng… Đình được xây dựng bề thế, vững chắc, độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc cổ truyền của dân tộc. Đình Lạc Dục tôn thờ 4 vị Thiên thần là Thành Hoàng làng, gồm:Chính đạo Thượng sĩ Húy Quang Nhạc Minh Thánh Thịnh An Húy Chính Đức Lý Đông Khương Húy là Khương ĐăngĐống Cáo Húy Đống Cao          
Bốn vị Thành Hoàng có công lao to lớn bảo vệ và đem lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Ngoài việc thờ các thành Hoàng làng, đình còn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của quân và dân trong qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, là nơi điều dưỡng thương, bệnh binh; là nơi tập trung nhiều đơn vị bộ đội trước khi đi chiến trường. Năm 1963 tại đây đã tổ chức hội nghị điểm về thả bèo hoa dâu toàn miền Bắc. Ngày nay thời kỳ đổi mới đình làng luôn phát huy tác dụng là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.  Năm 2021, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 3521/QĐ-UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2021 về việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục trong khuôn viên đình làng Lạc Dục, với kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng, bằng nguồn ủng hộ của nhân dân và quý khách thập phương. Đến nay đình làng đã được xây dựng xong, rất khang trang, uy nghi và lộng lẫy. 

DINH LAC DUC.PNG

* Đền Lạc Dục(Đền Mẫu):

 Đền Lạc Dục có tên nôm là “Đền Dọc" được xây dựng vào thời Hậu Lê. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với thời gian, đền Dọc đã bị tàn phá nặng nề. Trong kháng chiến chống Pháp, đền là nơi trú quân của du kích và bộ đội địa phương đánh giặc trên đường 391, điển hình là trận đánh ngày 10/12/1948 đã gây cho địch nhiều tổn thất. Để ngăn chặn lực lượng du kích và bộ đội của ta, địch đã đốt và san phẳng ngôi đền. Suốt một thời gian dài đền trở thành khu hoang tàn, nhân dân không có nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng như trước.

Để tưởng nhớ đến công lao của Đức Thánh Mẫu, từ năm 1989 đến 2019 nhân dân trong thôn đã quyên góp tiền của, công sức, vật liệu để xây dựng lại ngôi đền khang trang, tố hảo trên nền đất cũ, gồm các hạng mục chính cổng Nghi môn, 5 gian Tiền tế, 3 gian Hậu cung, đền Cô, nhà bia và 2 miếu thờ Hắc Long Quân và Bạch Long Quân cùng 5 gian nhà khách và các công trình phụ trợ khác. Toàn bộ khuôn viên di tích được kè hàng rào bằng đá xanh với tổng diện tích 1.700m2. Đền được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh (J); kết cấu hai tầng tám mái đao cong, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt và lạc long. Toàn bộ công trình được làm bằng chất liệu gỗ lim và gạch bát tràng.

 Đền Lạc Dục là nơi thờ “ Thánh Mẫu Vũ Thị Đức" người có công nuôi 2 con là (Tâm Nhân mình Xà) hiệu là (Hắc Long Quân và Bạch Long Quân) âm phù Vua Lê đánh thắng giặc Minh xâm lược ở thế kỷ thứ 15 đem lại nền độc lập thái bình cho nước nhà. Công lao của Đức Thánh Mẫu đã được Vua Lê Hiển Tông (Hiệu Cảnh Hưng) từ năm 1740 đến năm 1786 và các triều đại phong tặng:

Thánh Mẫu Thượng Đẳng Tối Linh

Dục Đức Thánh Lương Công chúa

Sự kiện trên được khái lược tóm tắt kể lại rằng. Vào thời Vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) tại xã Lạc Dục, tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, có một danh gia mệnh tộc, Họ Đặng, Tên Húy là Chân, lấy vợ tại bản xã là Vũ Thị Đức. Gia truyền tố nghiệp, lương thiện lễ nghi, luôn làm việc thiện. Hiềm một lỗi, cảnh nhà thanh bạch, nhà tranh vách liếp, ngoài 40 tuổi mà chưa có con.. Hai vợ chồng thường nói với nhau “Gia đình ta tích đức thành nhân, làm điều phúc cho người mà không hiểu sao trời làm khổ vậy, chi bằng thành tâm chỉnh biện lễ nghi, hương hoa cúng tiến, lập đàn chay chính giữa sân để cầu tự, mong sớm ứng cát tường, vạn sự nhờ ơn trời đất âm phù". Ba năm sau Thái Bà Vũ Thị Đức ra đồng cày, cấy đã nhặt được 2 quả trứng, hình trứng Rồng, một quả màu xanh, một quả màu trắng. Thái bà vô cùng sung sướng, coi như là châu báu, bà liền đem về nói với Chân Công và đem đặt trong bồ. Được 3 tuần 7 ngày, Chân Công và Thái Bà mở bồ ra thấy 2 rắn mà trứng chẳng thấy đâu. Hai rắn lớn rất nhanh, luôn quấn quýt bên ông bà, vô tình một hôm khi Ông đang cuốc vườn, 2 con rắn nhảy vào đùa nghịch, không may Ông cuốc vào một con rắn bị đứt đuôi... cảnh nhà nghèo bí bách, ông không nuôi được, ông bà đem 2 con rắn thả ra ngã 3 sông Lục Đức (tương truyền là vụng Lạng trên sông Thái Bình, thuộc địa phận xã Bình Lãng ngày nay). Từ đó chúng trở thành Thủy Thần, làm cho ngã 3 sông này sóng lớn dữ dội, thuyền bè không đi được. Ngã 3 sông ấy nước chảy rất xoáy, thường gây tai nạn cho thuyền, bè mỗi khi qua đó mà không thể nào vượt qua. Lúc bấy giờ giặc Minh xâm lược nước ta, Vua nghe tin liền triệu quân thần tiến binh, Vua thân chinh ngự thuyền rồng đi đánh giặc, khi thuyền qua bến sông này, không thể đi được, lấy làm kỳ lạ, Vua cho mời nhân dân gần bến sông để hỏi? Sông này đầu đuôi có chuyện gì, trẫm qua mà không được? nhân dân đã nói rõ sự tích với Vua, nghe tâu xong, Vua triệu họ Đặng đến hỏi, Chân Công sợ tội liền chạy chốn vào ngày 11/11 khi đến trang Mai Pha châu Duyệt Lãng, phủ thừa Khánh, trong lòng lo sợ, mắc bệnh rồi qua đời. Tại nơi đó cũng lập đền thờ, tương truyền là đền Kỳ Cùng, thuộc phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh lạng Sơn ngày nay. Còn Thái Bà Vũ Thị Đức xin thuận theo Hoàng Đế, cầu khấn Thủy Thần âm phù, để thuyền bè được lưu thông. Từ đó Vua ngự thuyền rồng sóng lớn trị yên, nhờ gió lớn nổi lên, thuyền Vua thuận buồm xuôi gió đến của biển Thái Bình, phủ Hạ Hồng, Vua thấy 2 rắn ở bên mạn thuyền hiện thành 2 tráng sỹ, đến xin Thái Bà cho đánh một trận. Sau một thời gian, giặc được dẹp yên, thắng trận, Thái Bà cùng 2 người con dẫn binh hồi triều, đến cung đồn của Vua, ở cửa biển Thái Bình thì 2 người con biến mất (trong dân gian tuyên truyền, 2 người này chính là 2 rắn hóa). Sau đó Thái Bà về quê xã Lạc Dục và mất tại phía Tây Nam, nơi nhân dân ở vào ngày 12 tháng riêng. Dân làng cho rằng đây là nơi chốn linh thiêng đã lập miếu thờ Mẫu và miếu thờ “2 vị Thần Rắn". Đền Lạc Dục là nơi thờ 2 vị Thần rắn, nơi sinh ra Phát tích và lan tỏa sự tích (Ông Cộc, Ông Dài) được lưu truyền trong dân gian từ xa xưa cho tới ngày nay.

Miếu Ông Cộc tức là Bạch Long Quân

Miếu Ông Dài tức là Hắc Long Quân

Cũng chính từ đó đến nay, nhân dân trong làng cho rằng đình- đền Lạc Dục là nơi chốn tâm linh rất linh thiêng. Vì thế, hàng năm mỗi khi Tết đến, xuân về dân làng lại tổ chức lễ hội truyền thống mùa xuân đình - đền Lạc Dục, để ôn lại những giá trị văn hóa, tinh thần của người dân trong làng.

4. Di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số: 4981/QĐ-UBND, ngày 01/11/2005 của UBND tỉnh Hải Dương đối với Di tích lịch sử Văn hóa đình - đền Lạc Dục.

DEN LAC DUC.PNG 

 - Nét đặc trưng của điểm du lịch:

Gồm 02 điểm tham quan gắn với Lễ hội truyền thống:

Đền Lạc Dục gồm các hạng mục như sau:

Cổng Nghi Môn, 06 Đạo Sắc phong các năm 1767; 1853, 1880, 1886, 1909, 1924, văn Bia ký, Đền Mẫu và Tắc Môn, Đền Tứ Phủ, 02 Miếu Thánh Tử, nhà khách, dậu lan can đá xung quanh đền Mẫu và sân đền, sân đền lát gạch 5.000 m2, sân khấu 150m2, khu vực Đền có phong cảnh non nước hữu tình, sung quanh đền Mẫu là hồ sen bao bọc.

Đình làng Lạc Dục gồm các hạng mục như sau:

 Cổng nghi môn, cây đa cổ, đình ngoài, đình trong và hậu cung, nhà khách, ao đình và tường bao, cầu đá và thủy đình nằm trong ao đình.


Lễ hội truyền thống mùa xuân đình - đền Lạc Dục

PHẦN HỘI:

Hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng và được phụng dựng khá hoàn chỉnh, đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian có tính kế thừa, chọn lọc. Là một lễ hội lớn thu hút cả vùng quê tham gia, đây cũng là một lễ hội tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, của Xứ Đông văn hiến, tương lai sẽ là diểm du lịch tâm linh trong vùng. Lễ hội có quy mô lớn và tiêu biểu của vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng… Từ xa xưa có rất nhiều khách từ các nơi biết đến, sự linh thiêng của đền Lạc Dục, họ tìm đến vui trẩy hội cùng với những người dân, quý khách thập phương để cầu may và cũng là nguyện vọng tha thiết của người dân trong vùng. Vì thế không chỉ là ngày lễ trọng mà suốt tháng quanh năm, mỗi khi có công to việc lớn mọi người lại chỉnh biện lễ nghi về đây cúng Thánh để cầu lộc, cầu tài, cầu bình an…

          Lễ hội truyền thống mùa xuân đình - đền Lạc Dục được diễn ra từ ngày mồng 6 Tết đến hết ngày 13 tháng riêng hàng năm. Lễ hội gồm có 2 phần: Phần hội và phần lễ.

          Phần hội được khai mạc vào ngày 6, gồm những môn thể thao như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, kéo co nam, nữ, cầu lông, bóng bàn và những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt lơn, đập niêu, du thuyền hát quan họ, đấu vật, cờ người, cờ tướng…Lễ khai mạc có màn trình diễn thể dục dưỡng sinh của câu lạc bộ chi hội người cao tuổi. Tham gia các môn thể thao có các vận động viên trong làng, trong xã, các xã lân cận và các huyện trong vùng về tham dự. Kết thúc các môn thể thao là phần trao giải thưởng của Ban tổ chức và các nhà tài trợ cho các tổ chức và vận động viên đạt giải.

PHẦN LỄ:

          Ngày 11 tháng giêng.

          Vào hồi 8h00 ngày 11 tháng giêng tại đền Lạc Dục. Đầu tiên là hồi trống, chiêng khai phủ, tế lễ nhập tịch mở cửa đền, sau đó các tổ chức được phân công rước kiệu làm công tác chuẩn bị. Đến 13 giờ 30 lễ rước kiệu từ đền về đình thứ tự đoàn rước; Cờ, Hoa, Lễ  - Phập phầu bát biểu - Chiêng, trống - Nhạc lễ - Ngựa - kiệu Thánh Mẫu - kiệu Võng - kiệu Đức Ông - 2 kiệu Thánh Tử - Đoàn tế - các dòng họ, nhân dân cùng các quý khách thập phương.

Vào 15 giờ Tế yên vị tại đình

          Ngày 12 tháng giêng;

          Các tổ chức, các dòng họ, nhân dân và quý khách thập phương dâng hương lễ Thánh tại đình.

          Ngày 13 tháng giêng;

          Trong ngày lễ Đại sự của hội làng được diễn ra rất long trọng và trang nghiêm. Từ sáng sớm các tổ chức, các dòng họ, nhân dân và quý khách thập phương tu lễ và làm công tác chuẩn bị rước các kiệu tại đình

          Từ 08 giờ là lễ rước kiệu từ đình ra đền thứ tự đoàn rước; Lân - Rồng - Cờ, Hoa, Lễ - Phập phầu bát biểu - Chiêng, trống - Nhạc lễ - Ngựa - kiệu Thánh Mẫu - kiệu Võng - kiệu Đức Ông - 2 kiệu Thánh Tử - Đoàn tế - các dòng họ, nhân dân cùng các quý khách thập phương.

         Đoàn rước có tính chất "quy mô và hoành tráng ". Tục lệ rước Thánh Mẫu của làng được đông đảo nhân dân và quý khách thập phương tới hàng ngàn người tham dự, Công tác tổ chức lễ hội được phân ra làm nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban đảm nhiệm một việc. Khi các kiệu đã về tới đền mọi công việc đã ổn định theo kế hoạch thì màn trống hội xuân rộn ràng, vang lên, thúc giục, khắp xóm làng bừng lên một niềm vui, với tấm lòng thành hướng về tổ tiên. Việc "làm lễ" trong ngày hội làng có ý nghĩa giáo dục cao. Giúp con người gạt bỏ những điều ác, hướng thiện. Giảm những ưu tư, phiền muộn, lo lắng, toan tính trong cuộc sống thường ngày để có được nỗi lòng thanh thản. Đồng thời giáo dục con cháu trong lòng biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công với nước, với dân. Đó cũng là vui, niềm tự hào của gia đình, dòng họ và quê hương làng, xóm.

          Sau màn trống hội là chương trình múa Lân, múa Rồng và những tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác, và quê hương chào mừng mùa xuân mới.

          Từ 10 giờ các đoàn, các dòng họ, các gia đình, nhân dân và quý khách thập phương Dâng hương lễ Thánh tại đền Mẫu...

           14 giờ ngày 15 tháng giêng tế dã hội tại đền.

Kết nối giao thông, thông tin liên lạc

         - Phía Bắc cách thành phố Hải Dương 6 km; Côn Sơn Kiếp Bạc 30 km.

         - Phía Tây Bắc cách làng Nghề thêu ren Xuân Nẻo 1,5 km; Công viên thôn Ô Mễ 01 km; đi thị trấn Gia Lộc 08 km.

         - Phía Tây Nam các đường 5B (Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khoảng 300 m; phía Nam cách thị trấn Tứ Kỳ 06 km; đền quan lớn Tuần Tranh Ninh Giang 18km; đi đường 10 Quý Cao 16 km.

         - Phía Đông là Trục đường 391 chạy qua tại đây có nhiều tuyến xe khách và xe buýp chạy qua rất thuận lợi cho việc nhân dân và quý khách đị lại;

         + Xe khách chạy đường dài Bắc Nam hãng xe Xuân Quỳnh; xe Trung Kiên mỗi ngày 02 chuyến, xe đưa đón khách đi nội thành TPHN, Bến xe Gia Lâm đi sân bay Nội Bài mỗi giờ 01-02 chuyến hoạt động từ 04 giờ đến 18 giờ hàng ngày; xe khách đi Quảng Ninh; Hải Phòng; Thái Bình; Nam Định mỗi tuyến có từ 2-4 chuyến/ngày; xe đi các tỉnh vùng Tây Bắc ngày 05 chuyến/ngày. (Tuyến xe buýp Hải Dương Thái Bình; Hải Dương - Ninh Giang 20-30 phút/chuyến).

         + Cách xa hơn đường 391 khoảng 1,5 km là dòng Sông Thái Bình, đây là một nhánh của Sông Hồng dòng sông có phù sa màu mỡ đã mang lại nhiều lợi ích và có thu nhập cao cho nhân dân trong vùng như: Rươi, Cáy và nuôi thả cá lồng.